Anh Huỳnh Ban ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu cho biết: “Tôi đã gắn cuộc đời với nghề biển đã hơn 20 năm qua và nhờ nó mà cuộc sống được ổn định. Năm nào cũng vậy, kết thúc mùa vụ ba khía lại phải hối hả cho việc cào sò huyết. Vì thế mùa nào thì làm nghề nấy, cào sò huyết cũng vậy. Thường thời điểm thu hoạch sò huyết bắt đầu giữa tháng 2 – 4 (âm lịch), nhưng năm nay hoạt động sớm hơn nửa tháng. Nhờ vậy mà rất nhiều ngư dân trúng đậm”.
Năm nay do trứng sò huyết có sớm và nhiều nên một ngày một ngư dân có thể kiếm từ 500.000 - 2.000.000 đồng/ngày
Được biết, công việc cào trứng sò huyết ngư dân chỉ làm từ 3 – 4 tiếng đồng hồ rồi mang chiến lợi phẩm vào bờ bán cho thương lái. Công việc này không kén người, vì thanh niên, phụ nữ, đàn ông…vẫn có thể tham gia được. Trung bình, mỗi ngư dân cào trứng sò huyết khoảng 3 tiếng đồng hồ sẽ được khoảng 300 – 800 gram trứng (có các tạp chất, như: bùn, vỏ óc, rác…), bán được giá vài trăm đến hàng triệu đồng.
Cùng đứa em ra biển lúc sáng sớm để tranh thủ thời gian hoạt động vì hơn 10 ngày qua mỗi buổi đều kiếm được cả triệu đồng từ trứng sò huyết, anh Thạch Phong cùng ở ấp Biển Tây B, nói: “Cái khó của nghề này là chọn được địa điểm hoạt động. Vì nếu đúng khu vực có nhiều sò huyết thì thu được sản lượng lớn còn nếu nhầm chỗ thì chỉ đủ trả chi phí tiền xăng, ăn uống. Việc này có khi phải dò tìm hàng chục cây số dọc bãi biển mới phát hiện được”.
Dụng cụ cào trứng sò huyết gồm lưới cước được niềng miệng bằng khung sắt, thau, rổ, đĩa. Công việc bắt đầu vào thời điểm sáng sớm và cào thử ở một số điểm, nếu có nhiều thì ngư dân cùng tập trung về khai thác. Cho nên địa bàn của họ thay đổi liên tục. Nhờ vậy, họ có nguồn thu nhập không nhỏ từ sò huyết. Nhiều người còn ăn nên làm ra nhờ dịch vụ ăn theo là giữ xe gắn máy với mức giá 5.000/xe và 10.000 đồng/người/ bận qua sông.