Hình minh họa
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, kết quả các chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã đạt những kết quả quan trọng về đảm bảo tăng trưởng tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng cho vay chăn nuôi, thủy sản tăng 5,8%
Trong đó, tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với chăn nuôi, thủy sản (cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất, gia hạn nợ tối đa 24 tháng đối với các hộ gia đình, cá nhân doanh nghiệp). Dư nợ cho vay lĩnh vực này đến cuối tháng 4/2015 ước đạt 42.700 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2014. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng tích cực thực hiện gia hạn nợ đối với lĩnh vực này (đối với các khoản nợ cũ từ ngày 15/8/2012 trở về trước) với dư nợ được gia hạn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHNN đã có chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra (cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa 36 tháng đối với hộ dân, chủ trang trại, HTX gặp khó khăn tạm thời về tài chính; khoanh nợ 3 năm đối với khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất và trả nợ ngân hàng do nguyên nhân bất khả kháng).
Nhờ đó đến nay, các ngân hàng đã thực hiện khoanh nợ cho 11.668 khách hàng với tổng số tiền khoanh nợ là trên 777,52 tỷ đồng; NHNN đã thực hiện tái cấp vốn đối với 2 ngân hàng (SCB, Agribank) với số tiền 458,25 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét tái cấp vốn cho các NHTM khác thực hiện khoanh nợ.
Cho vay đối với ngành lúa, gạo, tái canh cà phê đều tăng
Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, ước đến cuối tháng 4/2015, tổng dư nợ cho vay đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cuối năm ngoái. Còn chính sách cho vay đối với ngành lúa, gạo, đến cuối tháng 4, ước đạt 34.400 tỷ đồng, tăng 22,3% so với 31/12/2014.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2015, NHNN đã chỉ đạo các NHTM cân đối đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo đối với 6 vụ thu hoạch trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tổng sản lượng thóc gạo được cho vay thu mua tạm trữ trong các năm qua là 5,2/5,5 triệu tấn; doanh số cho vay thu mua tạm trữ đạt 42.571,7 tỷ đồng.
Đối với chính sách tái canh cây cà phê, đến cuối tháng 4/2015, dư nợ cho vay cà phê toàn quốc đạt 41.400 tỷ đồng tăng 12,3% so với cuối năm 2014 và tăng 1,7 lần so với năm 2011. Trong đó, dư nợ cho vay cà phê tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên ước đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cuối năm 2014, tăng 1,94 lần so với năm 2011 và chiếm 78,58% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc./.